Ngày 23-03-2025, Chúa Nhật, Tuần III Mùa Chay.

Tin Mừng Theo Thánh Gio-an

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42)

Khi ấy, Chúa Giê-su đến một thành xứ Samaria, gọi là Sykar, gần phần đất Gia-cóp đã cho con là Giu-se. Ở đó có giếng của Gia-cóp. Người mệt vì đi đường, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu. Một người đàn bà xứ Samaria đến kín nước. Chúa Giê-su bảo:

– “Xin bà cho tôi uống nước.”

Lúc đó, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn. Người đàn bà Samaria thưa lại:

– “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một người đàn bà Samaria, cho uống nước sao?”

Vì người Do Thái không giao thiệp gì với người Samaria. Chúa Giê-su trả lời:

– “Nếu bà nhận biết ơn Thiên Chúa ban, và ai là người nói với bà: ‘Cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin, và người ấy sẽ cho bà nước hằng sống.”

Người đàn bà thưa:

– “Thưa ông, ông không có gàu mà giếng lại sâu, vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông trọng hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này, chính người, các con và súc vật người cũng đã uống ở đó sao?”

Chúa Giê-su trả lời:

– “Ai uống nước này sẽ còn khát; nhưng ai uống nước Ta sẽ cho, sẽ không còn khát đời đời, vì nước Ta ban sẽ trở nên nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời.”

Người đàn bà thưa:

– “Thưa ông, xin cho tôi nước ấy, để tôi hết khát và khỏi đến đây kín nước nữa.”

Người đàn bà nói:

– “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một tiên tri.”

Chúa Giê-su phán:

– “Hỡi bà, hãy tin Ta, đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các ngươi thờ Đấng các ngươi không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ bởi người Do Thái mà đến. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, vì Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như vậy. Thiên Chúa là thần linh, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong tinh thần và chân lý.”

Người đàn bà thưa:

– “Tôi biết Đấng Ki-tô gọi là Đấng Thiên Sai sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.”

Chúa Giê-su đáp:

– “Chính Ta, Đấng đang nói với bà đây.”

Nhiều người Samaria trong thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: “Ông ấy đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.” Khi những người Samaria đến gặp Người, họ xin Người ở lại với họ, và Người đã lưu lại đó hai ngày. Rồi số người tin vì lời Người giảng dạy lại càng thêm đông, và họ nói với người đàn bà:

– “Giờ đây không phải vì lời chị nói mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe và biết rằng: Người thật là Đấng Cứu Thế.”

SUY GẪM:

Theo lịch phụng vụ năm C, các Chúa Nhật thứ 3, 4 và 5 mùa Chay, nếu cộng đoàn có các dự tòng và ứng viên các bí tích, thì sẽ dùng các bài đọc năm A, vì các dự tòng và ứng viên các bí tích sẽ có nghi thức Khảo Hạch, chuẩn bị cho đêm Vọng Phục Sinh, họ sẽ được chính thức nhận lãnh các bí tích Khai tâm. Các bài nhắc nhở họ và cộng đoàn một chu kỳ trưởng thành trong đức tin:

  • Chúa Nhật thứ ba mùa Chay hôm nay: Bài đọc Phúc Âm nói về Chúa Giê-su là nguồn nước trường sinh.
  • Chúa Nhật thứ tư mùa Chay tuần sau: Các bài đọc nói về Chúa Giê-su mở mắt cho người mù.
  • Chúa Nhật thứ năm mùa Chay: Bài đọc Phúc Âm nói về việc Chúa Giê-su cho La-da-rô sống lại.

Hôm nay, qua sự đối thoại giữa người phụ nữ xứ Samaria và Chúa Giê-su, chúng ta thấy một tiến trình nhận thức của người phụ nữ, từ không biết gì cho đến nhận ra Chúa Giê-su, là nguồn nước trường sinh mà chính bà rất cần đến, chứ không phải là nước từ dưới giếng Gia-cóp mà hằng ngày bà phải đi gánh về. Chúa Giê-su khai mở sự nhận thức của bà và bà đã hiểu được lòng khao khát nước trường sinh tận đáy lòng bà. Chúa mạc khải chính Ngài cho người phụ nữ và hơn thế nữa cho cả làng xóm. Họ đã tin và theo Người.

Anh chị em có lòng khao khát nước trường sinh là chính Chúa Giê-su không? Hãy xin như người phụ nữ xứ Samaria ngày xưa: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” (Ga 4,15)

Wonders of the Mass: 50 – Lời Nguyện Hiệp Lễ Là Gì?

Linh mục sẽ thu góp những lời nguyện tạ ơn của chúng ta sau khi Rước Lễ, và trong lời nguyện này, ngài cũng cầu xin Thiên Chúa để những lợi ích của Bí tích Thánh Thể vẫn hoạt động khi chúng ta rời Thánh Lễ.

Khi Thánh Lễ kết thúc, sau một lúc suy niệm trong thinh lặng, nhìn nhận sự hiện diện thật của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể, Linh mục mời chúng ta cầu nguyện Lời Nguyện Hiệp Lễ.

Lời nguyện này lặp lại Tổng nguyện ở đầu Thánh Lễ. Ngài cầu xin ân sủng để chúng ta có thể vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong việc thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, như được tiền dự khi chúng ta đón nhận Mình và Máu Chúa Ki-tô. Cộng đoàn hết lòng đáp lại bằng “Amen”.

Lời nguyện này nhấn mạnh đến những hiệu quả sâu sắc và lâu dài của việc Hiệp thông Thánh. Thứ nhất, việc Rước Lễ kết hợp chúng ta một cách mật thiết với Thiên Chúa và với nhau như Thân Mình Đức Ki-tô. Thứ hai, Rước Lễ thanh tẩy chúng ta khỏi các tội nhẹ và ban sức mạnh cho chúng ta để chống lại những cám dỗ trong tương lai. Thứ ba, việc Rước Lễ cũng nuôi dưỡng sự phát triển của lòng bác ái, thúc đẩy chúng ta chăm sóc người nghèo và người cùng khổ và sống ơn gọi của mình với tình yêu và sự cam kết lớn hơn.

Khi Linh mục kết thúc Thánh Lễ bằng lời nguyện cuối cùng này, ngài gom góp tất cả những hoa trái của Bí tích Thánh Thể—chữa lành, tha thứ, bảo vệ và sức mạnh—thành một phúc lành cho cuộc hành trình phía trước của chúng ta. Chúng ta được sai đi, kết hợp với Đức Ki-tô và với nhau, sẵn sàng sống tình yêu mà chúng ta đã nhận được.


ĐỐ VUI VÀ HỌC HỎI VỀ THÁNH LỄ:

(Trả lời câu hỏi tuần trước: 1. B; 2. A; 3. B)

1. Theo sách Khôn Ngoan, Thiên Chúa không làm ra …

  • a. bệnh tật
  • b. động đất
  • c. cái chết
  • d. sóng thần

2. Theo sách Khôn Ngoan, không hề có ai trở về từ cõi chết.

  • a. đúng
  • b. sai

3. Theo sách Khôn Ngoan, vì đâu mà sự chết đột nhập vào thế gian?

  • a. sự ngu dốt
  • b. rủi ro
  • c. sự ghen tỵ của quỷ dữ
  • d. một kế hoạch chu đáo