Ngày 13-07-2025, Chúa Nhật XV Thường Niên

Tin Mừng Theo Thánh Lu-ca

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 10,25-37)

Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng:

– “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Người đáp:

– “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

Ông ấy thưa:

– “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”

Đức Giê-su bảo ông ta:

– “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng:

– “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Đức Giê-su đáp:

– “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’”

Đức Giê-su hỏi tiếp:

– “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

Người thông luật trả lời:

– “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.”

Đức Giê-su bảo ông ta:

– “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

SUY GẪM:

Qua dụ ngôn người Samaria nhân hậu, chúng ta học được rất nhiều bài học quý giá cho bản thân nếu chúng ta muốn trở nên người tín hữu tốt và được hưởng hạnh phúc nước trời. “Ai là người anh em của tôi?” Người thông luật Do Thái đã hỏi Chúa Giê-su, và Ngài đã mời chính anh trả lời câu hỏi anh đặt ra, qua dụ ngôn mà Chúa đã kể cho anh ta. Câu chuyện nói lên một thực trạng đau thương kéo dài của lịch sử giữa hai dân tộc Do Thái và Samaria. Họ coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Hình ảnh và việc làm của người Samaria nhân hậu khi gặp một người bị thương tích trên đường đi, đã phần nào hoán cải và kết nối, xoa dịu vết thương đó bằng cử chỉ yêu thương và lòng trắc ẩn.

Chúa Giê-su không những dạy cho chúng ta biết tỏ lòng thương xót đến những người xung quanh, đặc biệt những người cần đến ta, đến tất cả mọi người không phân biệt màu da, tôn giáo… Ngài còn mời chúng ta học nơi Thánh Tâm của Ngài. Thánh giáo phụ Am-rô-si-ô giải nghĩa rất thâm thúy, con người Samaria nhân hậu ấy chính là hình ảnh của Chúa Giê-su. Ngài không còn xa lạ hoặc thờ ơ với nỗi đau của con người chúng ta trên hành trình làm người. Ngài đã xuống thế, ngang hàng với chúng ta, để băng bó, lắng nghe và chữa lành. Ngài không sợ bị đánh đòn, bị đóng đinh và bị chết vì chúng ta.

Một nghĩa cử cao đẹp và anh hùng đó, có đánh động trái tim khép kín và khô héo của chúng ta hay không? Hãy đi, và làm như thế!

ĐỐ VUI VÀ HỌC HỎI VỀ THÁNH LỄ:

(Trả lời câu hỏi tuần trước: 1. B; 2. C; 3. A)

247. Những ai có liên quan đặc biệt tới các ngôn sứ?

  • a. vua chúa
  • b. các tư tế và các ngôn sứ khác
  • c. những người đau khổ và bị ruồng bỏ
  • d. tất cả những câu trên

248. Sách ngôn sứ nào ngắn nhất trong Thánh Kinh Cựu Ước?

  • a. Giô-en
  • b. A-mốt
  • c. Ô-va-đi-a
  • d. Giô-na

249. Những lời của một ngôn sứ chỉ có ý nghĩa vào thời mà ngôn sứ đó sống.

  • a. đúng
  • b. sai