Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 3,15-16.21-22)
Khi ấy, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a ! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng : “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.”
Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa ; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha ; Cha hài lòng về Con.”
Suy Gẫm
Hình ảnh Gioan làm phép rửa tại sông Giođan làm chết đi đời sống cũ của tội lỗi và góp phần làm nảy sinh sự sống mới qua sự thống hối của dân chúng. Phép rửa của Gioan rất quan trọng đối với đoàn dân thời bấy giờ, họ sám hối ăn năn, nhiều người trong họ tưởng Gioan là Đấng Mesia. Nhưng Gioan đã cho họ biết phép rửa tội mà Chúa Giesu sẽ lập, lại quan trọng hơn nhiều: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. (Lc 3, 15-16)
Chúng ta được nhận lãnh bí tích rửa tội, tức là chúng ta được mời gọi sống cuộc Vượt Qua với Ðức Ki-tô. Tức là chúng ta cùng phải chịu đau khổ, chịu chết và được sống lại với Ngài. Chúa Giesu nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giê-ru-sa-lem như “một Phép Rửa” Người phải lãnh nhận (x. Mc 10,38; Lc 12,50). Phải nói rằng bí tích rửa tội là bí tích Ân Sủng, liên kết chúng ta với Chúa trong đau thương nhưng cũng được chiến thắng với Chúa trong vinh quang. ACE đã sống Ân Sủng của Bí Tích Rửa Tội như thế nào?
Bạn Có Biết
Theo giáo lý công giáo dạy, bí tích rửa tội là do Chúa Giesu đã lập để làm chúng ta những người tin được tái sinh và đổi mới làm con cái Thiên Chúa. Chúng ta được gọi là công dân của Nước Trời, bạn hữu của Đức Ki-tô. Đồng thời, qua bí tích rửa tội, chúng ta được mời gọi từ bỏ ích kỷ, bớt sống cho mình, để trở nên người truyền giáo, biết đem tin mừng cứu rỗi đến cho mọi người. Bí tích rửa tội, rửa sạch tội nguyên tổ mà ông bà Adong và Eva đã phạm.
Wonders of the Mass: 41- Kinh Lạy Cha
Tại sao chúng ta đọc Kinh Lạy Cha trong Phụng vụ Thánh Thể?
Để nâng tâm hồn lên mà chuẩn bị Rước Lễ, chúng ta đọc kinh nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta — Kinh Lạy Cha.
Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu lý do tại sao chúng ta đọc Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ.
Để bắt đầu Nghi thức Hiệp Lễ, Linh mục mời cộng đoàn cùng đứng đọc Kinh Lạy Cha sau khi truyền phép Mình và Máu Đức Kitô.
Kinh nguyện này không thể thiếu trong mọi hình thức Thánh Lễ hàng ngày, lễ trọng, tang lễ và đã được ghi chép từ những thế kỷ đầu của Hội Thánh.
Điều cần thiết là cầu nguyện có chủ ý, noi gương Chúa Giêsu trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Lần tới khi bạn tham dự Thánh lễ, hãy cầu nguyện Kinh Lạy Cha với sự suy tư và mục đích sâu xa.
Đố Vui Và Học Hỏi Về Thánh Lễ
(Trả lời câu hỏi tuần trước: 1. A; 2. C; 3. B)
- Theo sách Châm ngôn, có bảy điều làm Đức Chúa ghê tởm, ba điều đầu là : mắt kiêu kỳ, lưỡi điêu ngoa, tay đổ máu người vô tội.
- a đúng
- b sai
- Theo sách Châm ngôn, “phụ nữ đẹp người mà không đẹp nết khác chi khuyên vàng đem xỏ mũi heo”.
- a đúng
- b sai
- Theo sách Châm Ngôn, điều tự nhiên và tốt đẹp là ghét lời sửa dạy.
- a đúng
- b sai